Hành tây – thực phẩm giàu dinh dưỡng

Hành tây là một loại rau, khác với hành ta là một loại gia vị. Nếu như hành ta được sử dụng cả lá và củ thì hành tây chủ yếu chỉ dùng củ. Thực chất củ chính là thân của hành tây. Hành tây có họ hàng với hành tím thường được sấy khô làm hành khô. Hành tây có nguồn gốc từ Trung Á được truyền qua châu Âu rồi tới Việt Nam, loài này rất hợp với khí hậu ôn đới.

Tác dụng của hành tây

Hành tây vừa được xem là một loại rau vừa là một loại gia vị rất giàu kali, selen, vitamin C, quercetin. Hành tây có rất nhiều tác dụng và giúp phòng chống bệnh tật như kháng khuẩn, chống viêm, chống lão hóa, loãng xương, cao huyết áp, tim mạch,…. Cần chú ý là thành phần chất chống oxi hóa flavonoids chứa rất nhiều ở những lớp vỏ bên ngoài của củ hành. Cho nên trong khi sử dụng không nên lột quá nhiều lớp vỏ này. Bên cạnh đó nếu nấu với nhiệt độ càng nhỏ thì sẽ giữ được càng nhiều chất dinh dưỡng có trong hành. Thời gian chế biến và nấu cũng không nên quá lâu để ảnh hưởng tới giá trị dinh dưỡng ẩn chứa trong củ hành. Để không bị cay mắt khi thái hành, hãy để lạnh hoặc cho nó vào nước 1 giờ trước khi làm.

Hướng dẫn trồng và chăm sóc hành tây

Hành tây được trồng rộng rãi trên khắp thế giới và cả ở nước ta. Quá trình sinh trưởng và phát triển của củ hành diễn ra nhanh và sớm trong điều kiện ngày dài và ánh sáng mạnh. Các giống hành ngắn ngày tạo củ bình thường trong điều kiện nhiệt đới. Trong mùa mưa, hành tây thường bị rất nhiều bệnh do nấm, vì vậy mùa trồng hành chỉ tập trung vào mùa khô, thời kì này nhiệt độ phù hợp với quá trình hình thành và phình to của củ. Hầu hết các giống hành tây không ra hoa hoặc có ra hoa nhưng không kết hạt trong điều kiện miền Bắc nước ta chỉ trừ một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Đất thích hợp để trồng hành tây là đất giàu dinh dưỡng, phù sa, thường là đất cát pha hoặc thịt nhẹ, độ pH từ 5.5-6. Cần phơi ải 7-10 ngày, cày bừa kĩ, đất nhỏ, tơi xốp, lên luống rộng từ 1-1.2 m, cần xử lý bằng vôi bột trước khi trồng 7 ngày.

Sau khi gieo lấp lớp đất nhỏ lên trên, dùng rơm rạ phủ lên trên mặt luống. Tưới nước ngày 1-2 lần cho đến trước khi nhổ 1 tuần thì ngưng để huấn luyện cho cây con. Trước khi nhổ khoảng 5-6 giờ, tưới nước đẫm để cho dễ nhổ, hạn chế đứt rễ. Sau khi gieo 37-40 ngày thì nhổ đem trồng. Sau khi trồng, sử dụng phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh, phân rác để chế biến thành phân bón, chia ra thành phân bón lót và bón thúc. Dùng nước phù sa, nước giếng khoan, không dùng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước ao tù để tưới cho cây. Làm cỏ, tưới nước, vun xới, đảm bảo độ ẩm thường xuyên cho cây.

Cây hành tây thường ít bị sâu hại. Bệnh thường gặp là bệnh cháy lá hành, bệnh sương mai và bệnh thối nhũn. Cần áp dụng những biện pháp phòng trừ tổng hợp như vệ sinh đồng ruộng, bón phân phối hợp NPK và bón đúng giai đoạn. Đảm bảo chế độ tưới nước hợp lí, nhất là những ngày nhiệt độ cao, trời âm u, số giờ nắng ít và mưa kéo dài.

Bán hạt giống hành Paro F1 – Mua gọi 0944.160.811